Truyện Kiều – Nguyễn Du || Phần 5: Kiều mắc lừa Sở Khanh

Hoàn cảnh ra đời Truyện Kiều:

Theo GS Nguyễn Lộc: “Đoạn trường tân thanh… là một truyện thơ Nôm viết bằng thể lục bát, dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài Nhân, Trung Quốc gồm 3.254 câu thơ. Có thuyết nói Nguyễn Du viết Truyện Kiều sau khi đi sứ Trung Quốc (1814-20). Có thuyết nói Nguyễn Du viết trước khi đi sứ, có thể vào thời gian làm Cai bạ ở Quảng Bình (1804-09). Thuyết sau này được nhiều người chấp nhận. Ngay sau khi ra đời, truyện được nhiều nơi khắc in và lưu hành rộng rãi. Bản in cũ nhất hiện còn là dưới thời Tự Đức (1871).

Truyện Kiều đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa Việt Nam. Nhiều nhân vật trong Truyện Kiều trở thành điển hình cho những mẫu người trong xã hội cũ, mang những tính cách tiêu biểu như Sở Khanh, Hoạn Thư, Từ Hải, và đều đi vào thành ngữ Việt Nam.

Khả năng khái quát của nhiều cảnh tình, ngôn ngữ, trong tác phẩm khiến cho quần chúng tìm đến Truyện Kiều, như tìm một điều dự báo. Bói Kiều rất phổ biến trong quần chúng ngày xưa. Ca nhạc dân gian có dạng Lẩy Kiều. Sân khấu dân gian có trò Kiều. Hội họa có nhiều tranh Kiều. Thơ vịnh Kiều nhiều không kể xiết. Giai thoại xung quanh Kiều cũng rất phong phú. Tuồng Kiều, cải lương Kiều, phim Kiều cũng ra đời…

Chung quanh những nước non người,
Đau lòng lưu lạc, nên vài bốn câu.
Ngậm ngùi rủ bước rèm châu,
Cách tường, nghe có tiếng đâu họa vần.
Một chàng vừa trạc thanh xuân,
Hình dong chải chuốt, áo khăn dịu dàng.
Nghĩ rằng cũng mạch thư hương,
Hỏi ra mới biết rằng chàng Sở Khanh.
Bóng Nga thấp thoáng dưới mành,
Trông nàng, chàng cũng ra tình đeo đai.

Than ôi! sắc nước hương trời,
Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây?
Giá đành trong nguyệt trên mây,
Hoa sao, hoa khéo đọa đày bấy hoa?
Tức gan riêng giận trời già,
Lòng này ai tỏ cho ta, hỡi lòng?
Thuyền quyên ví biết anh hùng,
Ra tay tháo cũi, sổ lồng như chơi!
Song thu đã khép cánh ngoài,
Tai còn đồng vọng những lời sắt đinh.
Nghĩ người thôi lại nghĩ mình,
Cám lòng chua xót, nhạt tình chơ vơ.
Những là lần lữa nắng mưa,
Kiếp phong trần biết bao giờ mới thôi?
Đánh liều nhắn một hai lời,
Nhờ tay tế độ vớt người trầm luân.
Mảnh tiên kể hết xa gần,
Nỗi nhà báo đáp, nỗi thân lạc loài.
Tan sương vừa rạng ngày mai,
Tiện hồng nàng mới nhắn lời gửi sang.

Trời tây lãng đãng bóng vàng,
Phục thư đã thấy tin chàng đến nơi.
Mở xem một bức tiên mai,
Rành rành tích việt có hai chữ đề.
Lấy trong ý tứ mà suy:
Ngày hai mươi mốt, tuất thì phải chăng?
Chim hôm thoi thót về rừng,
Đóa trà mi đã ngậm trăng nửa vành.
Tường đông lay động bóng cành,
Rẽ song, đã thấy Sở Khanh lẻn vào.
Sượng sùng đánh dạn ra chào,
Lạy thôi, nàng mới rỉ tai ân cần.
Rằng: Tôi bèo bọt chút thân,
Lạc đàn mang lấy nợ nần yến anh.
Dám nhờ cốt nhục tử sinh,
Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau!
Lặng ngồi, tủm tỉm gật đầu:
Ta đây mà phải ai đâu mà rằng!
Nàng đà biết đến ta chăng,
Bể trầm luân, lấp cho bằng mới thôi!
Nàng rằng: Muôn sự ơn người,
Thế nào xin quyết một bài cho xong.
Rằng: Ta có ngựa truy phong,
Có tên dưới trướng, vốn dòng kiện nhi.
Thừa cơ lẻn bước ra đi,
Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn.
Dù khi gió kép, mưa đơn,
Có ta đây cũng chẳng cơn cớ gì!
Nghe lời nàng đã sinh nghi,
Song đà quá đỗi, quản gì được thân.
Cũng liều nhắm mắt đưa chân,
Mà xem con Tạo xoay vần đến đâu!
Cùng nhau lẻn bước xuống lầu,
Song song ngựa trước, ngựa sau một đoàn.
Đêm thâu khắc lậu canh tàn,
Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương.
Lối mòn cỏ nhạt màu sương,
Lòng quê đi một bước đường, một đau.

Tiếng gà xao xác gáy mau,
Tiếng người đâu đã mé sau dậy dàng.
Nàng càng thổn thức gan vàng,
Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào!
Một mình khôn biết làm sao,
Dặm rừng bước thấp, bước cao hãi hùng.
Hóa nhi thật có nỡ lòng,
Làm chi dày tía, vò hồng, lắm nau!

Một đoàn đổ đến trước sau,
Vuốt đâu xuống đất, cánh đâu lên trời.
Tú bà tốc thẳng đến nơi,
Hầm hầm áp điệu một hơi lại nhà.
Hung hăng chẳng nói chẳng tra,
Đang tay vùi liễu, giập hoa tơi bời.
Thịt da ai cũng là người,
Lòng nào hồng rụng, thắm rời chẳng đau…

…Vừa tuần nguyệt sáng, gương trong,
Tú bà ghé lại thong dong dặn dò:
Nghề chơi cũng lắm công phu,
Làng chơi ta phải biết cho đủ điều.
Nàng rằng: Mưa gió dập dìu,
Liều thân, thì cũng phải liều thế thôi!
Mụ rằng: Ai cũng như ai,
Người ta ai mất tiền hoài đến đây?
Ở trong còn lắm điều hay,
Nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung.
Này con thuộc lấy nằm lòng,
Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề.
Chơi cho liễu chán, hoa chê,
Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời.
Khi khóe hạnh, khi nét ngài,
Khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa.
Đều là nghề nghiệp trong nhà,
Đủ ngần ấy nết, mới là người soi.
Gót đầu vâng dạy mấy lời,
Dường chau nét nguyệt, dường phai vẻ hồng.
Những nghe nói, đã thẹn thùng,
Nước đời lắm nỗi lạ lùng, khắt khe!
Xót mình cửa các, buồng khuê,
Vỡ lòng, học lấy những nghề nghiệp hay!
Khéo là mặt dạn, mày dày,
Kiếp người đã đến thế này thì thôi!
Thương thay thân phận lạc loài,
Dẫu sao cũng ở tay người biết sao?
Lầu xanh, mới rủ trướng đào,
Càng treo giá ngọc, càng cao phẩm người…



Cooking
Measurements
Cooking Measurements