Truyện Kiều – Nguyễn Du || Phần 7: Kiều và Hoạn Thư

Trong Lời đầu sách ở Từ điển Truyện Kiều (1974), Giáo sư Đào Duy Anh viết:
“Trong lịch sử ngôn ngữ và lịch sử văn học Việt Nam, nếu Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học dân tộc thì Nguyễn Du với Truyện Kiều lại là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại của nước ta. Với Truyện Kiều của Nguyễn Du, có thể nói rằng ngôn ngữ VN đã trải qua một cuộc thay đổi về chất và đã tỏ rõ khả năng biểu hiện đầy đủ và sâu sắc… Nguyễn Du sinh quán ở Thăng Long, tổ quán ở Nghệ-Tĩnh, mẫu quán ở Bắc Ninh, đã nhờ những điều kiện ấy mà dựng lên được một ngôn ngữ có thể nói là gồm được đặc sắc của cả ba khu vực quan trọng nhất của của văn hóa nước ta thời trước”.

Nhà thơ Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu (1916) tiếc thương:
“…Tiền Đường chưa chắc mả hồng nhan
Trơ trơ nắm đất bờ sông nọ
Hồn có xa nghe mấy tiếng đàn”.

Nhà thơ Tố Hữu đồng cảm:
“…Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”.

Và Chế Lan Viên khẳng định: “Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn”.

Kể chi những nỗi dọc đường,
Buồn trong này nỗi chủ trương ở nhà:
Vốn dòng họ Hoạn danh gia,
Con quan Lại Bộ tên là Hoạn Thư.
Duyên đằng thuận nẻo gió đưa,
Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày.
Ở ăn thì nết cũng hay,
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già.
Từ nghe vườn mới thêm hoa,
Miệng người đã lắm tin nhà thì không.
Lửa tâm càng dập càng nồng,
Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa:

Ví bằng thú thật cùng ta,
Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên.
Dại gì chẳng giữ lấy nền,
Hay gì mà rước tiếng ghen vào mình?
Lại còn bưng bít giấu quanh,
Làm chi những thói trẻ ranh nực cười!
Tính rằng cách mặt khuất lời,
Giấu ta ta cũng liệu bài giấu cho!
Lo gì việc ấy mà lo,
Kiến trong miệng chén có bò đi đâu?
Làm cho nhìn chẳng được nhau,
Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên!
Làm cho trông thấy nhãn tiền,
Cho người thăm ván bán thuyền biết tay.
Nỗi lòng kín chẳng ai hay,
Ngoài tai để mặc gió bay mái ngoài.
Tuần sau bỗng thấy hai người,
Mách tin ý cũng liệu bài tâng công.
Tiểu thư nổi giận đùng đùng:
Gớm tay thêu dệt ra lòng trêu ngươi!
Chồng tao nào phải như ai,
Điều này hẳn miệng những người thị phi!
Vội vàng xuống lệnh ra uy,
Đứa thì vả miệng đứa thì bẻ răng.
Trong ngoài kín mít như bưng.
Nào ai còn dám nói năng một lời!
Buồng đào khuya sớm thảnh thơi,
Ra vào một mực nói cười như không.
Đêm ngày lòng những dặn lòng,
Sinh đà về đến lầu hồng xuống yên.
Lời tan hợp nỗi hàn huyên,
Chữ tình càng mặn chữ duyên càng nồng.
Tẩy trần vui chén thong dong,
Nỗi lòng ai ở trong lòng mà ra…

…Bất tình nổi trận mây mưa,
Dức rằng: Những giống bơ thờ quen thân!
Con này chẳng phải thiện nhân,
Chẳng phường trốn chúa thì quân lộn chồng.
Ra tuồng mèo mả gà đồng,
Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào.
Đã đem mình bán cửa tao,
Lại còn khủng khỉnh làm cao thế này.
Nào là gia pháp nọ bay!
Hãy cho ba chục biết tay một lần.
A hoàn trên dưới dạ ran,
Dẫu rằng trăm miệng không phân lẽ nào.
Trúc côn ra sức đập vào,
Thịt nào chẳng nát gan nào chẳng kinh.
Xót thay đào lý một cành,
Một phen mưa gió tan tành một phen.
Hoa nô truyền dạy đổi tên,
Buồng the dạy ghép vào phiên thị tì.
Ra vào theo lũ thanh y,
Dãi dầu tóc rối da chì quản bao….

..Lâm Tri từ thuở uyên bay,
Buồng không thương kẻ tháng ngày chiếc thân.
Mày ai trăng mới in ngần,
Phần thừa hương cũ bội phần xót xa.
Sen tàn cúc lại nở hoa,
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân.
Tìm đâu cho thấy cố nhân?
Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương.
Chạnh niềm nhớ cảnh gia hương,
Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê.
Tiểu thư đón cửa giãi giề,
Hàn huyên vừa cạn mọi bề gần xa.
Nhà hương cao cuốn bức là,
Buồng trong truyền gọi nàng ra lạy mừng.
Bước ra một bước một dừng,
Trông xa nàng đã tỏ chừng nẻo xa:
Phải rằng nắng quáng đèn lòa,
Rõ ràng ngồi đó chẳng là Thúc Sinh?
Bây giờ tình mới tỏ tình,
Thôi thôi đã mắc vào vành chẳng sai.
Chước đâu có chước lạ đời?
Người đâu mà lại có người tinh ma?
Rõ ràng thật lứa đôi ta,
Làm ra con ở chúa nhà đôi nơi.
Bề ngoài thơn thớt nói cười,
Mà trong nham hiểm giết người không dao.
Bây giờ đất thấp trời cao,
Ăn làm sao nói làm sao bây giờ?
Càng trông mặt càng ngẩn ngơ,
Ruột tằm đòi đoạn như tơ rối bời.
Sợ uy dám chẳng vâng lời,
Cúi đầu nép xuống sân mai một chiều.
Sinh đà phách lạc hồn siêu:
Thương ơi chẳng phải nàng Kiều ở đây?
Nhân làm sao đến thế này?
Thôi thôi ta đã mắc tay ai rồi!…

…Thế mà im chẳng đãi đằng,
Chào mời vui vẻ nói năng dịu dàng!
Giận dầu ra dạ thế thường,
Cười dầu mới thực khôn lường hiểm sâu!
Thân ta ta phải lo âu,
Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này!
Ví chăng chắp cánh cao bay,
Rào cây lâu cũng có ngày bẻ hoa!
Phận bèo bao quản nước sa,
Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.
Chỉ e quê khách một mình,
Tay không chưa dễ tìm vành ấm no!
Nghĩ đi nghĩ lại quanh co,
Phật tiền sẵn có mọi đồ kim ngân.
Bên mình giắt để hộ thân,
Lần nghe canh đã một phần trống ba.
Cất mình qua ngọn tường hoa,

Lần đường theo bóng trăng tà về tây.



Cooking
Measurements
Cooking Measurements