Sai Gon Luc Tinh – Dong Nai
Sài Gòn – Lục tỉnh
Nam kỳ Lục tỉnh hay Lục tỉnh là tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn độc lập, tức là khoảng thời gian từ năm 1832 (cải cách hành chính của Minh Mạng) tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây). Đương thời, người Pháp gọi Nam Kỳ Lục Tỉnh bằng cái tên Basse-Cochinchine (tức là vùng Cochinchine “hạ” hay vùng Hạ Đàng Trong).
Vua Minh Mạng năm 1832 đã đổi các trấn thành tỉnh, đặt ra Nam Kỳ và chia đất Nam Kỳ, vốn trước là tổng trấn Gia Định, thành 6 tỉnh nên gọi là Nam Kỳ Lục tỉnh hay Lục tỉnh. Đó là các tỉnh:
Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.
Trong dân gian, còn chia thành ba tỉnh miền Đông gồm Gia Định, Định Tường, Biên Hòa và ba tỉnh miền Tây gồm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.